KIẾN TẠO NIỀM TIN VÀ MỘT CƠ CHẾ MINH BẠCH TRONG GIÁO DỤC

Ngày 18/12 vừa qua, trong buổi gặp gỡ cuối năm với Hội đồng Cố vấn Quốc gia về Chất lượng và Liêm khiết trong bộ ngành giáo dục (National Advisory Committee on Institutional Quality and Integrity – NACIQI), Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Margaret Spellings nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chiến lược thực thi Đạo luật No Child Left Behind (NCLB – Không bỏ sót một trẻ thơ) của nền giáo dục Hoa Kỳ. (http://www.ed.gov/news/pressreleases/2007/12/12182007.html)

Cần phải minh bạch vì điều đó cung cấp cho các gia đình và cá nhân học sinh nhiều thông tin đáng giá để có được những quyết định đúng đắn về học vấn. NACIQI không chỉ là một cái tên để mà gọi cho có. Bà Spellings nhấn mạnh: “Dù có hay không có cơ quan này, hàng triệu học sinh và người dân đóng thuế luôn mong muốn có một thực thể giám định đúng nghĩa theo pháp luật để duy trì chất lượng của nền giáo dục quốc gia”.
“Bởi vì trách nhiệm giải trình và tôn trọng sự thật giúp duy trì niềm tin của công chúng vào những công việc mà ngành giáo dục đang tiến hành. Đó là bản thỏa thuận tự nguyện cho một chuẩn mực tối thiểu về chất lượng dạy và học. Tất cả các giáo chức chúng ta – dù là bên quản lý hành chính hay đang đứng trên giảng đường, đều được Quốc hội và Tổng thống trả lương để bảo đảm nền giáo dục quốc gia nằm trong những bàn tay có năng lực và phục vụ học sinh là trên hết. Nào, cùng với nhau, chúng ta hãy công nhận uy tín cho các chuẩn mực học thuật. Thế rồi các trường học và học viện sẽ chứng minh bản thân bằng cách tiếp nhận uy tín này, và do đó xứng đáng với hàng chục tỉ đô la mà những sinh viên và người dân đóng thuế bỏ ra.”
“Khi các cấp học thay đổi, thì hệ thống kiểm toán và giải trình của chúng ta phải bắt kịp. Thay vì giám sát quá trình, chúng ta phải kiểm tra để nhấn mạnh kết quả đầu cuối. Và cùng lúc đó, như các doanh nghiệp sản xuất thường chỉ dẫn, để có sản phẩm tốt, hãy giám định chất lượng các thiết bị máy móc và nguyên vật liệu đầu vào thay vì “vạch lá tìm sâu” nơi những khuyết điểm của thành phẩm.”
Trong dạy và học, trường lớp, cơ sở vật chất và giáo viên là máy móc, học sinh vừa là nguyên liệu đầu vào, vừa là thành phẩm.

“Cổ phần hóa” thông tin của các trường học
Bà bộ trưởng tỏ ra rất am hiểu về kinh tế thị trường và chứng khoán khi tuyên bố: “Mỗi trường học đều có điểm mạnh và những thuộc tính riêng. Nhưng hãy vì người tiêu dùng – là học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, để cung cấp cho họ quyền và trách nhiệm đòi hỏi thông tin nhiều hơn và chính xác hơn. Ở bất cứ doanh nghiệp cổ phần nào, khách hàng được tư vấn nhiều thông tin sẽ có cơ hội đặt ra những lựa chọn đầu tư hiệu quả hơn. Vì thế, học sinh sinh viên chúng ta càng biết nhiều thông tin thì càng dễ chọn trường lớp phù hợp với nhu cầu của bản thân. Và dĩ nhiên, người dân đóng thuế cũng thấy rõ hiệu quả của những đồng thuế mà họ đã đầu tư cho các thế hệ tương lai.”
“Trong thời đại thông tin ngày nay, người tiêu dùng thường muốn biết cái trường này sẽ phục vụ cho khát vọng của mình như thế nào ? Với chi phí đến đâu ? Đây là những câu hỏi hợp lý, đặc biệt đối với giáo dục đại học, vốn rất quan trọng do thời gian, tiền bạc và công sức mà phụ huynh học sinh và cá nhân học sinh sinh viên phải bỏ ra.”
“Thông tin minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng, đó là điều mà giáo chức chúng ta đã mắc nợ học sinh và phụ huynh khá lâu rồi. Tôi chỉ mong một ngày nào đó có thể thoải mái tuyên bố với các cha mẹ của học sinh: Nào, chúng tôi là những nhà giáo. Nếu quý ông bà cảm thấy chưa đủ thông tin ở ngoài kia, vui lòng đến đây, chúng tôi sẽ cho biết hết tất cả.”
Ngành giáo dục, không như chính trị, quốc phòng hay tình báo, chẳng có gì phải giấu nhẹm. Bà Spellings biết rõ điều đó khi vừa hứa hẹn, vừa cảnh cáo: “Để thực thi những điều trên, Bộ Giáo dục của tôi gần đây đã cấp 2,4 triệu USD để giúp các học viện lập thang đo lường thành tích của người học theo cách có thể cho thấy những tiềm năng độc đáo của từng học sinh. Phương pháp đo lường này sẽ không, và không nên, theo lối mòn để trở thành một loại thước đo nhiều kích cỡ trong một”.
“Tôi nhắc lại: Sẽ không có loại thước đo nhiều kích cỡ trong một. Sẽ không có những bài thi được chuẩn hóa. Tất cả những gì tôi yêu cầu chính là các học viện này phải làm rõ những lợi ích mà họ có thể mang lại cho người học, để khám phá và cung cấp những thông tin chính xác nhất về nhu cầu và năng lực của từng cá nhân học sinh. Nếu công việc này được làm tốt, học sinh sinh viên sẽ có nền tảng hiểu biết đầy đủ và trọn vẹn hơn để lựa chọn nền học vấn cho riêng mình. Giới hoạch định chính sách sẽ có thể cam kết với người dân đóng thuế rằng, các học viện và trường học nhận được nguồn ngân sách của họ là hoàn toàn đáng tin và hiệu quả. Các thống đốc và nhà lập pháp liên bang sẽ có khả năng điều phối những nguồn lực trong xã hội. Doanh nghiệp thấy được những sinh viên tốt nghiệp có thể làm được gì cho công ty của họ. Và đặc biệt là giới lãnh đạo các trường đại học sẽ có khả năng chọn lọc và cải thiện hiệu quả công việc của họ.”

Gọng kìm kiểm toán từ nhiều phía.
Hiển nhiên, chiến lược của bà Spellings rất rõ ràng: Để đánh giá được chất lượng học tập của từng cá nhân học sinh, hãy đánh giá tập thể, đánh giá trường học đó làm ăn ra sao. Việc đánh giá hãy để cho chính Quốc Hội làm, cũng như lấy thông tin từ phụ huynh học sinh và doanh nghiệp. NO CHILD LEFT BEHIND là một chính sách giáo dục tập trung vào cá nhân học sinh bằng cách tác động đến chất lượng làm việc của tập thể, của trường học và giáo chức. Chính sách này mở rộng quyền cá nhân của học sinh và phụ huynh trong thi cử để tăng sức ép về chất lượng học tập lên ban giám hiệu nhà trường.
Minh chứng là cuộc Khảo thí quốc gia về Tiến bộ Giáo dục (National Assessment of Educational Progress – NAEP) và mục tiêu giáo dục Tiến bộ Tương xứng Hàng năm (Adequate Yearly Progress – AYP) của từng tiểu bang. Cứ mỗi hai năm một lần theo luật định, Trung tâm Quốc gia về Thống kê Giáo dục (National Center for Education Statistics) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện kỳ thi NAEP. Tất cả các cơ cấu và chi tiết bài kiểm tra trắc nghiệm của kỳ thi này sẽ do Hội đồng Khảo thí Quốc gia (National Assessment Governing Board – NAGB) thiết lập và chỉ định. Điều thú vị là NAGB là một cơ quan do Quốc Hội lập nên, bao gồm 26 thành viên đến từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội như: thống đốc bang, nhà lập pháp, giáo chức địa phương, chuyên gia khảo thí, giáo viên, doanh nhân, và phụ huynh – nghĩa là chính Quốc Hội có quyền giám sát thực sự những gì đang diễn ra trong quá trình giáo dục thế hệ tương lai của đất nước.
Kỳ thi NAEP được chọn tiến hành ngẫu nhiên theo tiểu bang, trường học và lớp học mà không báo trước. Phụ huynh học sinh được khuyên rằng nên để cho con cái nghỉ ngơi thật thoải mái trước khi thi. Họ cũng chẳng phải lo lắng bởi vì bài thi không cần đề tên thí sinh và kết quả thi sẽ không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập chính thức của con cái họ trong những kỳ thi của tiểu bang và địa phương. Chuyện luyện thi, học tủ, gà bài dĩ nhiên càng không thể tồn tại được. Ngoài ra, học sinh và phụ huynh có quyền từ chối tham dự kỳ thi này nếu thấy có bất cứ vấn đề về căng thẳng tâm lý nào xảy ra. Việc tham dự tùy thuộc vào ý thức biết đóng góp cho nền giáo dục quốc gia của học sinh, nghĩa là học sinh phần nào được trao quyền phản ảnh một cách trung thực nhất chất lượng học tập mà họ đang tiếp nhận.
Đánh giá chất lượng học tập cá nhân dựa trên chất lượng dạy và học của một tập thể trường lớp là một chiến lược. Chiến lược này càng minh bạch hơn khi trao quyền chủ động tham dự các kỳ thi kiểm định chất lượng lại cho học sinh và phụ huynh. Nên biết rằng trường nào, tiểu bang nào có số học sinh tham dự dưới tỷ lệ 89,5%, lời phê của bộ giáo dục là KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC. Điều gì khiến các học sinh và phụ huynh e ngại không tham dự kỳ thi trung lập này ? Chất lượng giáo dục liệu có che dấu được hay không với con số 89,5% này ? Các lãnh đạo tồi trong ngành giáo dục chẳng thể có cách giải trình lươn lẹo con số này.
Cần phải nói thêm về cuốn sổ liên lạc – dù nhỏ bé, nhưng với vị trí đúng nghĩa của nó cũng có thể làm nên chuyện. Quy định của Bộ giáo dục Mỹ về mục đích của cuốn sổ này rất rõ ràng: (1) có khả năng truyền đạt những kết quả tốt và xấu trong hệ thống trường lớp; (2) là phương tiện công bằng và đáng tin cậy để báo cáo và xếp loại hiệu quả và mức độ cải thiện của trường lớp; và (3) nhấn mạnh với công chúng rằng hệ thống trường lớp thực sự làm việc hiệu quả. Cách thiết kế cuốn sổ liên lạc từ trung ương đến địa phương cũng đòi hỏi tính nhất quán trong tổ chức dữ kiện và thống kê, cho phép thông báo ngay lập tức bất cứ vấn đề nào liên quan đến chất lượng học tập, dù là ở đâu và vì mục đích gì. Với tính năng này, sổ liên lạc được xem là một phần của một hệ thống kiểm toán giáo dục lớn hơn. Và dĩ nhiên, sổ liên lạc không phải là nơi để xem xét và phê phán trình độ học tập của một cậu học trò cá biệt, không phải là phương tiện để làm khổ phụ huynh học sinh về kết quả học tập của con em mình, và không phải là cái cớ để các giáo viên tị nạnh nhau về thành tích. Đối với bà Spellings, cuốn sổ này báo cáo kết quả chất lượng đào tạo tổng thể của một tập thể trường lớp, tiểu bang. Thế thôi. Vì kết quả này sẽ được đối chiếu với các mục tiêu AYP để mọi người cùng hỗ trợ thêm cho trường lớp nào kém chất lượng. Chẳng có vấn đề thi đua cũng như làm khổ nhau vì thành tích, nhưng là để cung cấp cho tất cả các học sinh một môi trường giáo dục tối ưu nhất.
Bà bộ trưởng kết thúc với sự nhấn mạnh đặc biệt: “Tôi biết rằng thực sự khó khăn để đạt được những mục tiêu này. Nhưng chúng ta có nhiều lý do để hoàn thành trách nhiệm trước học sinh và giới phụ huynh. Như tôi đã nói lúc đầu, các gia đình cần và xứng đáng có được những thông tin hướng dẫn họ trong việc học hành của con em. Và họ phải có được điều đó từ những giáo chức như chúng ta – những người đã làm cho nền giáo dục này đang trở thành nỗi ghen tị của thế giới. Xin cảm ơn.”

(đăng trên Tuoitre Online: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=236121&ChannelID=119)

5 bình luận

  1. In turn, they decide which colleges earn accreditation, and thereby become eligible for tens of billions of student and taxpayer dollars.
    –>Thế rồi các trường học và học viện sẽ chứng minh bản thân bằng cách tiếp nhận uy tín này, và do đó có đủ tư cách phục vụ nhu cầu cho 10 tỷ học sinh và người dân đóng thuế.

    Thảm họa dịch thuật. Đáng lẽ ra phải dịch là: …và do đó xứng đáng với hàng chục tỉ đô la mà những sinh viên và người dân đóng thuế bỏ ra… chứ. Đọc cái câu dịch trên thấy tức cười. Dân số thế giới lên tới 10 tỉ chưa, nói gì tới dân số mấy trăm triệu của Mỹ.

  2. Được biết tới từ blog của Oshin, nên tôi sang đây đọc. Cũng chưa đọc tới các entry khác, nhưng ở entry này tôi phát hiện công việc chuyển ngữ của Đạt Ân có vấn đề. Post trên blog cá nhân đã cần sự chăm chút rồi, hơn nữa đây lại là bài đăng trên báo Tuổi trẻ, một tờ báo nhiều người đọc, mà lại ở chuyên mục mà những người ít nhiều có kiến thức mới quan tâm đọc tới; thế mà lỗi sơ đẳng.
    Tuy nhiên thật tốt là Đạt Ân đã để nguồn dẫn tới bài viết tiếng Anh ở đây nên tôi có thể check lại. Ngay cái câu trên mà tôi đã dẫn lại, Đạt Ân dịch sai cả ngay, cả vế trước lẫn vế sau. Nói cho dễ hiểu theo cách của người Việt không có nghĩa là modify như thế, và đây là bài dịch, chuyển ngữ, cần tôn trọng người viết ra nó để bài dịch ‘match’ với bài gốc.
    Đây là những đóng góp của tôi cho bài dịch, không hề có ý chê bai gì hết.

  3. Sorry, lỗi đánh chính tả, có gì sửa giùm: “.. dịch sai cả câu, cả vế ….”

  4. Cảm ơn bạn Justmevn đã chỉ ra chỗ sai của tôi. Tôi đã post lầm bài viết chưa chỉnh sửa của mình. Và cũng biết lỗi này khi gửi cho Tuổi Trẻ. Do đó, bạn có thể vào Tuổi Trẻ để xem bản chính thức được đăng báo.

    Theo ý kiến của bạn, tôi đã chỉnh sửa lại nguyên văn mà bạn dịch chuẩn ngay trên blog của mình.

    Rất mong nhận được nhiều phản hồi của các bạn đọc về bài viết nguyên thủy của tôi trên blog này.

    Chân thành cảm ơn bạn Justmevn

  5. Chào người bạn cùng họ Nguyễn Đạt với mình

Bình luận về bài viết này