HÃY TÔN TRỌNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG, CÔNG AN, VÀ NHÂN VIÊN THI HÀNH DỊCH VỤ CÔNG

Đây là câu chuyện của một người dân ở Manila (Phillipines): “Một lần nọ, khi đang lái xe ở Manila, tôi đã bị cảnh sát thổi vì không để ý đến tấm bảng hiệu giao thông cấm quẹo nhỏ xíu đặt ở góc đường, khuất sau hàng cây. Có bốn tài xế trước tôi cũng bị phạt. Tôi nghe họ đang cãi vã làm viên cảnh sát nổi nóng. Cả bốn người đều bị tịch thu bằng lái. Khi đến phiên mình, tôi lịch sự chào viên cảnh sát: “Good Afternoon”. Ông ta thoáng ngạc nhiên, xem tôi có ý định diễu cợt hay không. Tôi đã gọi ông ta là “Officer” như cách gọi trân trọng của người Mỹ hoặc người Anh đối với viên chức nhà nước, rồi tôi cũng giải thích một cách lịch sự rằng tôi rất tôn trọng luật pháp và vì bảng hiệu giao thông vừa rồi quá nhỏ nên tôi không để ý. Tôi sẵn lòng chịu phạt, nhưng cũng đề xuất với ông ấy rằng nên thay một bảng báo hiệu lớn hơn, để người lái xe dễ nhận thấy từ xa.

Những gì bạn muốn người khác làm cho mình, hãy làm cho người khác y như vậy. (Khổng Tử)


Thật đáng ngạc nhiên. Viên cảnh sát không hề phạt tôi hay tịch thu bằng lái. Ông ấy còn gọi tôi là “Sir” một vài lần, rồi khuyên tôi lần sau nên đi cẩn trọng hơn. Ngày hôm sau, tôi đã thấy chiếc biển báo giao thông được thay”.
Câu chuyện trên cho thấy sức mạnh của sự tôn trọng phẩm giá con người. Một con người được người khác đối xử đúng với vị trí và trách nhiệm của mình sẽ cảm thấy giá trị được nâng cao. Đó chính là giáo dục cộng đồng sâu sắc.
Hãy suy nghĩ về thói quen mà chúng ta – những người đi đường và bị phạt – thường hối lộ cảnh sát giao thông. Qua hàng loạt bài báo về nạn mãi lộ trên đường, chúng ta thường nghĩ rằng giới cảnh sát phần lớn đều “ăn bẩn”. Tuy nhiên, hãy xem cách mà chúng ta đã làm cho họ bị biến chất như thế nào. Họ đã học thói xấu đó từ chính những người đi đường như chúng ta, khi đối xử với họ bằng tiền bạc, chứ không phải bằng thái độ tôn trọng nhân vị.
Các chuyên gia tâm lý đều nhất trí rằng, được tôn trọng là một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người. Mọi người đều muốn mình được tôn trọng. Mọi người đều muốn mình được công nhận. Mọi người đều muốn được đối xử một cách chân thực.
Vậy, chúng ta hãy đối xử với các công chức nhà nước đúng với trách nhiệm và phẩm giá của họ. Bởi vì khi chúng ta công nhận giá trị của họ, họ sẽ nhận ra giá trị của chính họ, cũng như giá trị của những bổn phận mà họ đang đóng góp cho tổ quốc. Sự tôn trọng đích thực có tầm quan trọng không thể nhận ra ngay được. Bởi vì những gì là thực sự quan trọng, chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy bằng trái tim, theo nhà văn “Hoàng Tử Bé” Antoine de St. Exupéry.

(Đăng trên Tuổi Trẻ Online: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=225603&ChannelID=119)

Bình luận về bài viết này